Viêm họng mãn tính do trào ngược dạ dày là gì? Bệnh này có gây nguy hiểm không? Cách chữa khi bị viêm họng mãn tính do trào ngược dạ dày ra sao? Nếu các bạn vẫn chưa thể trả lời được những câu hỏi này thì hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ về căn bệnh cũng như cách chữa viêm họng mãn tính do trào ngược dạ dày ngay sau đây.
1. Tìm hiểu về bệnh viêm họng mãn tính do trào ngược dạ dày
Có nhiều người bị viêm họng mãn tính do trào ngược dạ dày mà không biết, chỉ nghĩ mình đang đau họng bình thường do thay đổi thời tiết nên thường tỏ ra chủ quan và không đi thăm khám kịp thời. Tình trạng này kéo dài dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như bị viêm loét thực quản, ung thư thực quản.
Khi bị trào ngược dạ dày lâu ngày mà không được điều trị, các dịch vị trong dạ dày như dịch mật, pepsin, HCL… thậm chí là thức ăn bị trào ngược lên thực quản gây ra tình trạng nóng rát, viêm thực quản, bỏng.
Các loại dịch vị này nếu tràn lên cổ họng sẽ làm cho lớp niêm mạc ở cổ họng bị sưng và nhiễm trùng dẫn đến viêm họng, tràn vào hốc mũi xoang gây nên bệnh viêm xoang và khi tràn vào thanh khí quản sẽ gây ra bệnh phổi. Qua đó ta thấy các dịch vị trong dạ dày khi bị trào ngược sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của người bệnh.
♦ Triệu chứng của bệnh viêm họng do trào ngược dạ dày
Nhiều người bị viêm họng do trào ngược thực quản mà không hay biết vì những triệu chứng của nó cũng khá giống với bệnh đau họng thông thường. Những trường hợp này đều bị đau rát vùng cổ họng, sốt, ăn uống kém, bị khàn tiếng và sưng amidan. Tuy nhiên, khi bị viêm họng do trào ngược còn có thêm những triệu mà ở những trường hợp bị đau họng thông thường không có. Cụ thể:
+ Cảm thấy đau rát ở vùng từ ức lên ngực: Tình trạng trào ngược dạ dày làm cho các dịch vị trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản rồi lên họng làm cho ngực cũng bị ảnh hưởng mà triệu chứng dễ nhận thấy là đau rát, khó chịu vùng ngực.
+ Ợ chua, ợ nóng: Đây là dấu hiệu thường thấy của những người bị trào ngược dạ dày. Những người bị viêm xoang mũi và viêm họng cảm thấy rất khó chịu với tình trạng này.
+ Người bệnh sẽ cảm thấy khó nuốt: Vì trào ngược thực quản làm cho lớp niêm mạc bị tổn thương gây viêm loét và sưng phù, do đó sẽ gây khó khăn cho việc nuốt thức ăn và làm cho người bệnh ăn uống kém đi.
+ Nước bọt được tiết ra nhiều hơn: Khi trong khoang miệng có nồng độ acid cao bất thường, nước bọt sẽ được tiết ra nhiều hơn để trung hòa lượng acid dư thừa này.
Ngoài ra người bệnh sẽ có cảm giác cồn cào ở ruột, nếu tình trạng nặng sẽ gây đau tức vùng ngực, tắc tiếng không thể nói chuyện. Do đó, khi bị viêm họng do trào ngược, người bệnh nên đi khám và điều trị dứt điểm bệnh trào ngược dạ dày kết hợp với điều trị đau họng để sớm lành bệnh.
2. Cách điều trị bệnh viêm họng do trào ngược dạ dày
Rất nhiều người đã sốc khi đi khám đau họng, viêm thanh quản mà lại được bác sĩ kê đơn thuốc kèm cả điều trị trào ngược dạ dày. Vì những trường hợp này bị viêm họng do trào ngược mà cứ nghĩ mình bị đau họng thông thường.
Thực chất muốn trị dứt điểm viêm họng do trào ngược, bạn cần điều trị dứt điểm được bệnh trào ngược dạ dày. Có những cách điều trị trào ngược dạ dày gây bệnh viêm họng mãn tính sau bạn có thể tham khảo:
♦ Dùng thuốc Tây y chữa trào ngược dạ dày gây viêm họng
Sử dụng thuốc Tây y để chữa bệnh được xem là biện pháp mang lại hiệu quả nhanh chóng. Khi có dấu hiệu của bệnh, bạn cần đi gặp bác sĩ để khám và được kê đơn thuốc. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn sử dụng các loại thuốc điều trị nhanh các triệu chứng của trào ngược và biểu hiện của bệnh đau họng. Các nhóm thuốc thường được sử dụng để chữa trào ngược bao gồm:
+ Nhóm thuốc kháng Histamin H2:
Những loại thuốc thuộc nhóm thuốc này có tác dụng kháng thụ thể histamin được tiết ra trong dạ dày. Nhóm thuốc này được phân ra thành H1, H2, H3, trong đó nhóm thuốc H2 được biết đến với công dụng tác động trực tiếp đến quá trình tiết acid trong dịch vị dạ dày và kìm hãm chúng lại, do đó lượng acid sẽ dần được ổn định, tình trạng trào ngược sẽ không còn xảy ra gây ảnh hưởng xấu đến họng. Thuốc này có tác dụng tốt đối với những trường hợp bị trào ngược thực quản nhẹ.
Các loại thuốc chính trong nhóm thuốc Histamin H2 gồm ranitidin, cimetidin.
+ Nhóm thuốc Antacid:
Đây là nhóm thuốc có tính bazơ nhẹ, chúng có khả năng tạo kết tủa dạng gel, làm trung hòa acid có trong dạ dày. Cũng giống như nhóm thuốc trên, nhóm Antacid làm giảm lượng acid trong dạ dày, không còn tình trạng bị dư thừa lượng acid, do vậy sẽ giảm được các triệu chứng của bệnh trào ngược.
Các loại thuốc thường được sử dụng của nhóm thuốc này là nhôm hydroxyd và magie hydroxyd.
+ Nhóm thuốc ức chế bơm proton:
Công dụng của nhóm thuốc này là ngăn chặn tình trạng dư thừa acid trong dịch vị dạ dày, cải thiện và hỗ trợ làm lành các vết loét ở niêm mạc dạ dày – tá tràng. Chính vì thế, các triệu chứng trào ngược dạ dày cũng sẽ bị đẩy lùi, bệnh viêm họng từ đó mà dần được chữa khỏi.
Các loại thuốc thuộc nhóm thuốc ức chế bơm proton thường được dùng trong điều trị là Omeprazole, Esomeprazole,…
Lưu ý khi sử dụng thuốc Tây chữa trào ngược dạ dày:
- Tuy dùng các loại thuốc Tây chữa trào ngược mang lại hiệu quả chữa bệnh nhanh chóng nhưng nó lại gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, do đó khi sử dụng bạn nên lưu ý tới vấn đề này.
- Sử dụng thuốc Tây cần phải dùng theo toa của bác sĩ đã kê, dùng đúng liều lượng, không được lạm dụng thuốc.
- Nếu trong khi sử dụng mà thấy các dấu hiệu bất thường như khó thở, loạn nhịp tim,… phải ngưng sử dụng ngay và đến gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời.
+ Chữa viêm họng do trào ngược dạ dày bằng các bài thuốc dân gian ngay tại nhà
Nếu không muốn sử dụng thuốc Tây để điều trị căn bệnh trào ngược dạ dày, bạn có thể áp dụng các bài thuốc dân gian để điều trị. Sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu một số bài thuốc mà các bạn có thể áp dụng:
- Ngậm mật ong:
Mật ong có tác dụng rất tốt trong việc chữa đau dạ dày. Có tác dụng như một lớp màng bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày, mật ong giúp chống khuẩn, kháng viêm, làm dịu cơn đau, trung hòa acid dạ dày.
Bạn có thể ngậm trực tiếp mật ong và nuốt từ từ hoặc dùng nó hấp với chanh đào để ăn. Ngoài ra, để tăng hiệu quả chữa bệnh của loại nguyên liệu này, bạn hãy dùng nó kết hợp với nghệ, nó sẽ cho kết quả rất tốt trong chữa trào ngược dạ dày.
- Dùng tỏi chữa viêm họng do trào ngược thực quản:
Thành phần allicin có trong củ tỏi có tác dụng kháng viêm cực mạnh có khả năng tiêu diệt các loại vi khuẩn, vi rút. Bạn lấy một tép tỏi tươi ngậm khoảng 2 – 3 phút rồi nuốt, mỗi ngày bạn thực hiện khoảng 2 lần sẽ thấy các dấu hiệu của bệnh thuyên giảm đi nhanh chóng.
- Súc miệng bằng nước muối:
Nghiên cứu cho thấy thường xuyên súc miệng bằng nước muối cũng có tác dụng diệt khuẩn, chống nhiễm trùng, giảm viêm họng và đau họng.
Trường hợp bị nhiễm trùng đường hô hấp có thể dùng nước muối để súc miệng, thực hiện 3 lần/ ngày sẽ cải thiện hiệu quả được tình trạng bệnh.
Những người bị viêm họng, đau họng lấy 1 thìa cà phê muối hòa với nửa ly nước ấm rồi súc miệng trong 30 giây, làm thường xuyên cũng có tác dụng giảm triệu chứng của bệnh.
Lưu ý khi dùng các bài thuốc dân gian điều trị viêm họng do trào ngược dạ dày:
- Mặc dù dùng các bài thuốc dân gian chữa trào ngược dạ dày rất an toàn, không gây ra tác dụng phụ nhưng nó lại không mang lại hiệu quả chữa bệnh nhanh chóng, bạn cần phải sử dụng thường xuyên trong một thời gian dài mới có hiệu quả.
- Những mẹo dân gian này chỉ có tác dụng trong những trường hợp bệnh đang nhẹ, ít có tác dụng đối với người bị bệnh nặng. Hơn nữa tùy theo cơ địa của từng người mà bài thuốc phát huy tác dụng cũng phát huy tác dụng ở mức độ khác nhau.
- Nếu khi sử dụng các bài thuốc dân gian để điều trị trong một thời gian mà các dấu hiệu bệnh vẫn không thuyên giảm thậm chí là nặng thêm, bạn nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời bằng cách khác.
3. Phải làm gì để bệnh viêm họng do trào ngược dạ dày nhanh khỏi?
Ngoài việc sử dụng thuốc Tây hoặc các mẹo dân gian để điều trị bệnh, để nhanh chóng hồi phục sức khỏe bạn cần thực hiện một số biện pháp ngay sau đây:
+ Người bị viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản nên tránh các thức ăn có hại cho dạ dày và đường tiêu hóa như đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, các loại thức ăn ướp lạnh, thực phẩm chứa nhiều acid,… Nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin, cá biển, ngũ cốc, sữa chua, gừng để giúp tiêu hóa tốt.
+ Hạn chế sử dụng các loại chất kích thích, các loại đồ uống có cồn như rượu, bia, thuốc lá. Bởi những loại này chính là một trong những thủ phạm gây nên các bệnh về đường tiêu hóa.
+ Cần giữ được tinh thần thoải mái, tránh tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi.
+ Ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn khuya, mới vừa ăn không nên đi nằm ngay. Khi ngủ kê gối cao để tránh bị trào ngược acid từ dạ dày lên thực quản, hầu họng.
+ Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, ngày đánh răng 2 lần để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
+ Thường xuyên vận động tập thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Trên đây là các thông tin về bệnh viêm họng do trào ngược dạ dày và cách điều trị căn bệnh này. Hi vọng sau bài viết các bạn đã hiểu hơn về căn bệnh cũng như là cách điều trị nếu không may mắc phải chứng bệnh này. Chúc các bạn luôn khỏe!
Bài viết tham khảo
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!